Theo  NIỆM PHẬT THẬP YẾU  – HT Thiền Tâm (Bậc chân tu)

                                                                                       Lời Phi Lộ
Bản thảo quyển này vừa viết xong, có vài ba đại đức hỏi mượn luân phiên
nhau xem, rồi cật vấn:
– Chúng tôi thấy chư vị hoằng dương về Thiền Tông, dường như có ý bài
xích Tịnh Độ. Chẳng hạn như trong quyển Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất
có câu: ‘Niệm Phật tụng kinh đều là vọng tưởng’. Còn trong đây lại bảo:
‘Môn Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo,
Luật, Mật’. Xem ra cũng dường như có ý cho Tịnh Độ là độc thắng, sự việc
ấy như thế nào?
Đáp: Không phải thế đâu? Mỗi môn đều có tông chỉ riêng. Các bậc hoằng
dương tùy theo chỗ lập pháp của mình, bao nhiêu phương tiện thuyết giáo
đều đi về những tông chỉ ấy. Như bên Thiền lấy: ‘Chỉ thẳng lòng người, thấy
tánh thành Phật’ làm tông chỉ. Tịnh Độ môn lấy: ‘Một đời vãng sanh, được
bất thối chuyển’ làm tông. Bên Hoa Nghiêm lấy: ‘Lìa thế gian nhập pháp
giới’ làm tông. Thiên Thai giáo lấy: ‘Mở, bày, ngộ vào tri kiến Phật’ làm
tông. Bên Tam Luận lấy: ‘Lìa hai bên, vào trung đạo’ làm tông. Pháp Tướng
môn lấy: ‘Nhiếp muôn pháp về Chân Duy Thức’ làm tông. Mật giáo lấy:
‘Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật’ làm tông. Và Luật môn lấy: ‘Nhiếp
thân ngữ ý vào Thi La Tánh’ làm tông.
Cho nên, lời nói bên Thiền ở trên, không phải bác Tịnh Độ, hay bác niệm
Phật tụng kinh, mà chính là phá sự chấp kiến về Phật và Pháp của người tu.
Nếu niệm Phật và tụng kinh là thấp kém sai lầm, tại sao từ Đức Thích Tôn
cho đến chư Bồ Tát, Tổ Sư đều ngợi khen khuyên dạy tụng kinh niệm Phật?
Nên biết, Vĩnh Minh thiền sư, tương truyền là hóa thân của Phật A Di Đà,
mỗi ngày đều tụng một bộ Pháp Hoa. Lại, Phổ Am đại sư cũng nhân tụng
kinh Hoa Nghiêm mà được ngộ đạo. Sự thuyết giáo bên Tịnh Độ cũng thế,
không phải bác phá Thiền Tông, chỉ nói lên chỗ đặc sắc thiết yếu của bản
môn, để cho học giả suy xét tìm hiểu sâu rộng thêm, mà tùy thích tùy cơ,
chọn đường thú nhập.
Lại, mỗi môn tuy tông chỉ không đồng, nhưng đều là phương tiện dẫn chung
về Phật Tánh. Như một đô thành lớn có tám ngõ đi vào, mà nẻo nào cũng tập
trung về đô thị ấy. Các tông đại khái chia ra làm hai, là Không môn và Hữu
môn. Không môn từ phương tiện lý tánh đi vào. Hữu môn từ phương tiện sự tướng đi vào. Nhưng đi đến chỗ tận cùng thì dung hội tất cả, sự tức lý, lý tức
sự, tánh tức tướng, tướng tức tánh, nói cách khác: ‘sắc tức là không, không
tức là sắc, không và sắc chẳng khác nhau. Cho nên khi xưa có một vị đại sư
tham thiền ngộ đạo, nhưng lại mật tu về Tịnh Độ. Lúc lâm chung ngài lưu kệ
phó chúc cho đại chúng, rồi niệm Phật sắp vãng sanh. Một vị thiền giả bỗng
lên tiếng hỏi: ‘Cực Lạc là cõi hữu vi, sao tôn đức lại cầu về làm chi?’ Đại sư
quát bảo: ‘Ngươi nói vô vi ngoài hữu vi mà có hay sao?’ Thiền giả nghe xong
chợt tỉnh ngộ. Thế nên Thiền và Tịnh đồng về một mục tiêu. Hữu môn cùng
Không môn tuy dường tương hoại mà thật ra tương thành cho nhau vậy.
Đến như nói: ‘Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền,
Giáo, Luật, Mật’, chính là lời khai thị của chư cổ đức như: ‘Liên Trì, Triệt
Ngộ, Ngẫu Ích, Kiên Mật. Các đại sư này là những bậc long tượng trong một
thời, sau khi tham thiền ngộ đạo, lại xương minh về lý mầu của Tịnh Độ
pháp môn. Như Triệt Ngộ đại sư, trong tập Ngữ Lục, đã bảo: ‘Một câu A Di
Đà, tâm yếu của Phật ta. dọc quán suốt năm thời, ngang gồm thâu tám giáo’.
Và Kiên Mật đại sư sau khi quán sát thời cơ, trong Tam Đại Yếu, cũng bảo:
‘Đời nay tham thiền chẳng nên không kiêm Tịnh Độ, phòng khi chưa chứng
đạo bị thối chuyển, há chẳng kinh sợ lạnh lòng?’ Một câu A Di Đà, nếu
không phải là bậc thượng căn, đại triệt, đại ngộ, tất không thể hoàn toàn đề
khởi. Nhưng với câu này, kẻ hạ căn tối ngu vẫn chẳng chút chi kém thiếu!’
Thế nên, thuốc không quí tiện, lành bệnh là thuốc hay; pháp chẳng thấp cao,
hợp cơ là pháp diệu. Tịnh Độ với Thiền Tông thật ra chẳng thấp cao hơn
kém. Nhưng luận về căn cơ, thì Thiền Tông duy bậc thượng căn mới có thể
được lợi ích; còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn, hạng nào nếu tu
cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp này, người
trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít nếu muốn đi đến thành quả giải
thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do
bởi lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ, muốn cho chúng sanh
sớm thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở.
Điều này là một sự kiện rất quan yếu và hết sức xác thật!
Tuy nhiên, như trong kinh nói: chúng sanh sở thích và tánh dục có muôn
ngàn sai biệt không đồng, nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có
thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng
một phần, không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có
Thiền Tông và các môn khác, để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật
Pháp được đầy đủ sâu rộng. Cho nên dù đã tùy căn cơ, sở thích của mình mà
chọn môn Tịnh Độ, thâm ý bút giả vẫn mong cho Thiền Tông và các môn
khác được lan truyền rộng trên đất nước này. Và các môn khác, nếu đem lại cho chúng sanh dù một điểm lợi ích nhỏ nhen nào, bút giả cũng xin hết lòng
tùy hỷ. Tóm lại, Hữu môn và Không môn nói chung, Thiền Tông và Tịnh
Độ nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh, tuy hai mà một, đều nương tựa để
hiển tỏ thành tựu lẫn nhau, và cũng đều rất cần có mặt trên xứ Việt Nam,
cho đến cả thế giới.
Mấy vị đại đức sau khi nghe xong đều tỏ ý tán đồng. Nhân tiện, bút giả lại
trần thuật bài kệ của Tây Trai lão nhơn để kết luận, và chứng tỏ người xưa
cũng đã từng đồng quan điểm ấy:
Tức tâm là độ lý không ngoa
Tịnh khác Thiền đâu, vẫn một nhà
Sắc hiển trang nghiêm miền diệu hữu
Không kiêm vô ngại cõi hằng sa
Trời Tây sáng đẹp màu châu ngọc
Nguyện Phật bao la đức hải hà
Ngoảnh lại đường tu, ai sớm tỉnh?
Nỗi thương ác đạo mãi vào ra!

Thích Thiền Tâm cẩn chí
 

Quý phật tử có thể xem Bản đầy đủ tại đây

Gọi ngay
chat-active-icon chat-active-icon chat-active-icon